Hai chị em ruột là cụ bà Đinh Thị Xa (102 tuổi) và Đinh Thị Long (94 tuổi) đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là chị em ruột cao tuổi nhất nước.
Hai cụ cho biết, nhờ sự chăm sóc quan tâm, hòa thuận của con cháu, cùng với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ là bí quyết để có thể sống lâu như vậy. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với người thân hai cụ, PV còn phát hiện các thành viên khác trong gia đình hai cụ cũng sống rất thọ.
Hai cụ Đinh Thị Xa (102 tuổi) và Đinh Thị Long (94 tuổi). |
Nhiều thành viên trong gia đình trên 90 tuổi
Cụ Đinh Thị Xa và cụ Đinh Thị Long sinh ra trong một gia đình gồm 7 chị em. Hiện hai cụ sinh sống tại khu phố 5 (phường Trảng Dài, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Người chị cả trong gia đình là cụ Đinh Thị Tí (còn gọi là Tân, SN 1911, hiện định cư tại Mỹ). Tiếp đến là cụ Đinh thị Xa (SN 1913, hiện sống tại Đồng Nai), cụ Đinh Thị Nhu (SN 1915, hiện định cư tại Mỹ), cụ Đinh Thị Viên (đã mất), cụ Đinh Thị Long (SN 1921, hiện sống tại Đồng Nai. Người em trai kế là cụ Đinh Văn Trọng (SN 1923 hiện định cư tại Mỹ). Người em trai út tên là Đinh Văn Đạt (đã mất). Như vậy, ngoài hai người chị em đã mất, tất cả các cụ còn lại đều đã trên 90 tuổi.
Chia sẻ với PV, ông Phạm Ngọc Nguyện (SN 1957, con trai cụ Long) cho biết: “Vào ngày 17/1, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tổ chức lễ trao bằng xác lập kỷ lục S100 cho chị em ruột cao tuổi nhất Việt Nam tại nhà của hai cụ. Cụ Tí là chị cả của gia đình đang định cư ở nước ngoài. Vì vậy, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam quyết định trao bằng xác lập kỷ lục chị em ruột cao tuổi nhất Việt Nam cho cụ Xa và cụ Long. Tại buổi lễ, hai cụ cho biết nhờ sự chăm sóc, quan tâm, hòa thuận của con cháu cùng với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ là bí quyết để có thể sống lâu như vậy”.
Ông Nguyện cho biết thêm: “Kể từ khi con cháu quyết định làm hồ sơ đăng ký kỷ lục Việt Nam cho hai cụ thì các cụ mong lắm. Đến khi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam gửi giấy thông báo các cụ đạt kỷ lục thì các cụ lại mong nhận bằng xác lập kỷ lục trên tay. Tôi nhớ, lúc nghe tin hai cụ đạt kỷ lục, gia đình tôi dự định khi nào Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục và huy hiệu kỷ lục sẽ tổ chức một buổi lễ gì đó, rồi kêu gọi con cháu khắp nơi về mừng cho hai cụ...”.
Con cháu trong đại gia đình của các cụ |
Khi hỏi về những hồi ức xưa cũ được trải dài cả một thế kỷ mà mình đã sống, cụ Long nghĩ ngợi xa xăm rồi nói: “Quê vợ chồng tôi đều ở Hải Dương và chỉ mới đưa con cái dắt díu vào Đồng Nai sinh sống hơn 30 năm nay thôi. Ngày đó, miền Bắc nghèo lắm, nhất là những năm lũ lụt, hạn hán đến không có củ khoai, củ sắn mà ăn nữa”.
Sống thọ nhờ… khoai lang
Khi hỏi về những ngày đã xa, trong trí nhớ mơ hồ, cụ Long luôn nhắc đi nhắc lại câu: “Cụ sống vất vả lắm, phải ăn khoai lang trừ bữa...”. Đến khi kể lại những ngày tháng vất vả này cho con cháu nghe, con cháu cụ vẫn cứ nói đùa rằng: “Nhờ vất vả, nhờ ăn nhiều “nhân sâm” Việt Nam (chỉ khoai lang - PV) mà cụ mới sống thọ đến ngày nay...”. Khi đó, cả nhà nghe cứ cười rộ lên, khiến trong không khí đông vui cùng con cháu lại càng trở nên ấm áp, hạnh phúc đến lạ kỳ.
Cụ Long chia sẻ: “Những năm vào đây khai hoang, gia đình tôi sống khổ lắm. Nhưng được cái đất ở đây nhiều lại chưa có người ở, cho nên cụ cùng chồng mình trồng trọt rất nhiều loại cây, nhất là khoai lang... Cuộc sống của gia đình tôi cũng chỉ trồng khoai lang, ăn khoai lang mà sống...”. Mặc dù cuộc sống có vất vả đến đâu, vợ chồng cụ Long cũng cố gắng chăm lo cho các con học hành đến nơi, đến chốn. Thấu hiểu sự vất vả của bố mẹ mình, chín người con của cụ đều cố gắng học hành, làm việc chăm chỉ. Đến nay, chín người con của cụ Long cũng đã thành đạt và yên bề gia thất, con cháu đuề huề.
Với cụ Xa, đã sống hơn một thế kỷ, những ngày giao mùa này, cái bệnh của tuổi già bắt đầu len lỏi vào cơ thể cụ. Cụ Xa chia sẻ: “Những ngày này trái gió trở trời, nên cái bệnh đau xương đau khớp của tuổi già lại hoành hành, đau chỗ này, đau chỗ kia... Mấy ngày nay, tôi phải bảo con dâu nó bóp cho một lúc rồi mới đỡ được...”. Nói dứt lời, cụ Xa lại tủm tỉm cười.
Ông Nguyện cho biết: “Thường ngày, lúc các cụ khỏe là các cụ hóm hỉnh lắm, hay trêu chọc người khác và nói chuyện tiếu lâm hay lắm. Có các cụ, nhà cửa lúc nào cũng vui...”. Theo ông Nguyện, cụ Xa có bảy người con. Con cái của cụ cũng đều đã cháu chắt đuề huề. Tính đến nay, thế hệ con cháu của cụ Xa cũng đã có tới chút, chít... Vì thế, những dịp lễ, Tết là con cháu sum vầy đầy nhà.
Trong niềm hạnh phúc được con cháu, mọi người quan tâm, cụ Xa và cụ Long cũng đã chia sẻ, nhờ sự chăm sóc quan tâm, sự hòa thuận, đoàn kết của con cháu, cùng với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ nên mới sống thọ đến nay. Cụ Long cho biết: “Từ người dân ở cả khu này cho tới hàng xóm sống ở quê đều nói gia đình tôi nề nếp. Không gia đình nào được như gia đình này, từ con cháu cho tới chút, chít đều sống đoàn kết, vui vẻ, thương yêu nhau. Ai gặp bất kỳ khó khăn gì cũng được các thành viên trong gia đình, họ hàng hỗ trợ, giúp đỡ. Từ con, cháu cho tới dâu, rể đều chưa bao giờ làm tôi phiền lòng...”.
Trong không khí đầm ấm cùng gia đình, ông Tường (con rể út của cụ Xa và cũng là người sống chung, chăm lo cho mẹ vợ từ cái ăn đến việc đi đứng) cũng bày tỏ tấm lòng:
“Tôi là con rể cưới cô út của cụ và cùng sống với cụ chung một nhà... Kể từ khi sống chung, vợ chồng tôi chưa bao giờ có điều tiếng gì với cụ. Thậm chí, cuộc sống vợ chồng có những lúc cãi vã nóng nảy, nhưng chúng tôi vẫn luôn tôn trọng cụ. Bản thân tôi sống với cụ cũng vô cùng thoải mái, vui vẻ. Các con trai, gái, dâu rể... cụ đều xem như nhau nên từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra xích mích... Cụ dạy thì chúng tôi nghe, chứ chưa bao giờ cãi lời làm cụ phiền lòng...”.
Công lý & Xã hội