Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Nạn buôn người trá hình sang Đài Loan

Costa Mesa (CA) -- Chuyến công du Đài Loan chấm dứt sau một tuần thăm viếng Đài Loan nhân ngày Song Thập (quốc khánh) đã là khúc quanh quan trọng trong vấn nạn cô dâu và công nhân lao động Việt nam đang được dư luận cộng đồng người Việt hải ngoại quan tâm. 





Đáp lời mời của chính quyền Đài Loan, nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ hai tiểu bang Arizona và California, cùng đại diện 70 nước khác tham dự ngày quốc khánh Đài Loan vào ngày 10 tháng 10 vừa qua.

Tưởng nên biết, Đài Loan và Hoa Kỳ có mối liên hệ đồng minh chặt chẽ từ hơn 50 năm đã biến chuyển kể từ ngày 25 tháng 10 năm 1971, khi Trung Hoa lục địa thay thế Đài Loan trong ghế hội viên thường trực của Liên Hiệp Quốc. Đài Loan trở nên cô lập trước quốc tế. Chính quyền quần đảo này phải nỗ lực tìm sự hậu thuẫn chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới trước mối đe doa xâm chiến của Cộng sản Trung Hoa. 

Hiện nay chỉ có 26 nước bang giao chính thức với Đài Loan, phần lớn các nước này nhỏ nằm ở Trung Mỹ và Phi Châu. Tuy nhiên, các đồng minh cũ của Đài loan đã biến cải tòa đại sứ của họ thành Cơ quan Văn hóa và Kinh tế để thích hợp với môi trường chính trị mới.
 Trong ngày Song Thập đã có hơn 70 đại diện nhiều quốc gia đến tham dự ngày thành lập chính quyền Cộng Hòa Trung Hoa. 

Trên phương diện chính trị, Trung Cộng là nước thù nghịch với Đài Loan, xem quần đảo này như một tỉnh của Trung quốc. Chính quyền Trung Cộng từng tuyên bố xem Đài loan là một tỉnh phản loạn và sẽ tấn công nếu quần đảo này tuyên bố độc lập. 

Theo lời một viên chức bộ ngoại giao Đài Loan cho Dân biểu Văn biết, Trung Cộng hiện có hơn 700 hỏa tiễn hướng về Đài Loan, họ có thể tấn công bằng hỏa tiễn bất cứ lúc nào. Đây là nỗi lo ngại thường nhật của chính quyền Đài Loan nên thường xuyên kêu gọi các cựu đồng minh tái ủng hộ sự sống còn của Đài loan trước sự đe dọa của Trung Cộng.


Về phương diện kinh tế, từ thập niên 1990 trở đi, Đài Loan đã chuyển hướng nền kinh tế, hướng về kỹ thuật cao cấp (hi-tech), trở thành cường quốc Á Châu, có thể sánh vai với Nhật Bản. Những kỹ nghệ sơ đẳng (low-tech), sản xuất những vật dụng dùng hàng ngày, các nhà đầu tư Đài Loan đã chuyển qua Trung Cộng sản xuất để giảm chi phí điều hành và nhân công. 

Thống kê cho biết Đài Loan đã đầu tư khoảng 100 tỉ Mỹ kim vào Trung Cộng hàng năm. Với dân số hơn 23 triệu, gần 1 triệu người gốc Đài loan đang làm ăn sinh sống tại Trung Hoa lục địa. Riêng tại Thượng Hải gần 300,000 người Đài Loan qui tụ tại thành phố thương mại nổi tiếng này. Giới am hiểu tình hình chính trị và kinh tế Trung hoa cho biết, nền kinh tế phồn thịnh của Trung Cộng trong vòng 10 năm trở lại đây là sự đóng góp không nhỏ của người Đài Loan.

Sau ngày Song Thập, Dân Biểu Văn đã gặp ông Jui-hsiung Ouyang, Thứ Trưởng Ngoại Giao Đài Loan và các viên chức Đài Bắc đặt vấn đề tệ trạng cô dâu và nhân công lao động Việt đang bị đối xử tệ bạc tại Đài Loan. Bộ ngoại giao đang thu xếp để ông Văn tiếp xúc trực tiếp với các viên chức trách nhiệm bộ Lao Động và những viên chức đứng đầu quan trách nhiệm về lao động ngoại quốc tại Đài Loan, để tìm giải pháp công lý chấm dứt các tệ trạng nêu trên đã bị chính quyền Cộng sản Việt nam làm ngơ từ lâu nay.




Dân biểu Văn đã đến tận trạm tạm trú các nạn nhân bị ngược đãi tại tỉnh Đào Viên, nơi cách thủ đô Đài Bắc 1 giờ lái xe. Ông đã được cha Nguyễn Hùng Cường, phụ tá cho cha Nguyễn Văn Hùng (đang công tác tại Hoa Kỳ) đón tiếp và đưa đi thăm 16 nạn nhân bị hiếp đáp. 

Vì lý do tế nhị, Dân biểu Văn không tiết lộ danh tánh các nạn nhân.Trong con số 16 nạn nhân, có 12 phụ nữ đi lao động từ miền Bắc, 2 cô dâu từ Tuy Hòa bị cưỡng bách làm gái mãi dâm và 2 thanh niên bị thương tích nghề nghiệp bị tống sống về Việt nam để tránh bồi thường lao động. 
Các nạn nhân này đã phải liều mạng, chạy trốn, tìm sự bảo vệ của các Linh mục Việt nam tại Đài Loan.
Linh mục Cường cho biết có gần 100,000 cô dâu và 90,000 nhân công lao động Việt đang sinh sống tại Đài Loan. Phần lớn họ rất còn trẻ, gặp khó khăn kinh tế tại quê nhà, hy sinh đi làm lao động kiếm sống và hy vọng giúp đỡ gia đình tại quê nhà. Họ làm những công việc dân bản xứ không làm, phần lớn là làm vú em, chăm sóc các người tàn tật, các công việc lao động nặng nhọc.




Nhiều nạn nhân lao động cho biết để được đi lao động nước ngoài, gia đình họ phải trả hay ký giấy nợ cho người môi giới có liên hệ chặc chẽ với các viên chức chính quyền địa phương tại Việt Nam khoản tiền tương đương với $4,000-5,000 Mỹ kim. 
Nếu vì bất cứ lý do gì bị về nước trước thời hạn, họ không có khả năng trả nợ, chưa kể đến biện pháp chế tài khi về nước. Đó là lý do nhiều nhân công lao động Việt phải cắn răng chịu đựng trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Riêng về trường hợp các cô dâu Việt, phần lớn họ phải lấy những người không có điều kiện tài chánh lập gia đình với phụ nữ bản xứ, là những người cao tuổi, bệnh tật cần người chăm sóc hàng ngày. 

Nhiều trường hợp thảm thương hơn, cô dâu Việt bị lừa, khi qua Đài Loan bị trở thành nô lệ tình dục cho nhiều đàn ông trong cùng một gia đình, bị ép làm gái mãi dâm như 2 phụ nữ trẻ gốc người Tuy Hòa đã tiếp xúc với Dân biểu Văn. Các ông chồng Đài Loan lấy vợ Việt đã phải tốn phí cho cơ quan môi giới khoảng $5,000 Mỹ kim, số tiền này đến tay gia đình chỉ còn khoảng một phần ba.




Người ta ước tính riêng dịch vụ cô dâu và nhân công lao động Việt tại Đài Loan đã đem một nguồn lợi tức tức vài trăm triệu Mỹ kim đã rơi vào tay con buôn, môi giới, các viên chức chính quyền từ địa phương đến trung ương. Mức độ lợi nhuận khổng lồ này khiến các viên chức chính quyền Việt tại Đài Loan và quê nhà muốn ém nhẹm.

“Đây là dịch vụ buôn người có tổ chức được chính quyền CSVN bao che, là một quốc nhục cho Việt Nam trước dư luận thế giớí”, Dân biểu Văn nói. 

Ông cho biết thêm sẽ chính thức lên tiếng với chính phủ Việt nam và yêu cầu Hà Nội phải có biện pháp ngăn chận những tệ trạng này đang tiếp tục xẩy ra. Song song, văn phòng ông làm việc chặt chẽ với chính quyền Đài Bắc để giải quyết tệ trạng này bằng pháp lý và chính sách lao động.

SHARE THIS

Facebook Comment