Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Mẹo mua sắm siêu tiết kiệm cho Tết Nguyên Đán

Tết là thời điểm mua sắm nhiều nhất trong năm nên rất dễ “lạm chi”. Một số mẹo mua sắm dưới đây sẽ giúp bạn tránh được tình trạng “vung tay quá trán”.



Mẹo mua sắm siêu tiết kiệm cho Tết Nguyên Đán
Mẹo mua sắm siêu tiết kiệm cho Tết Nguyên Đán
Kiểm đồ và lập danh sách cần mua
Có một “lỗi” chị em hay mắc phải khi đi mua sắm là không lên danh sách, đi mua sắm theo sở thích, thấy đồ gì vừa mắt thì mua. Điều này dẫn đến tình trạng mua thừa, mua những đồ không dùng đến.
Trước khi đi mua sắm, bạn nên kiểm lại đồ trong gia đình, xem đồ gì có thể tái sử dụng từ năm trước như hộp đựng bánh mứt, đồ trang trí…Sau đó lập danh sách các thứ cần mua, khi đi mua sắm chỉ tập trung vào danh sách này. Vừa đỡ mất thời gian, lại tránh sa đà mua những thứ không cần thiết.
Tết tiết kiệm, mua sắm, nội trợ
Lên kế hoạch mua sắm chi tiết, tái sử dụng đồ từ năm ngoái (khay đựng bánh kẹo, đồ trang trí) sẽ giúp chị em tránh được tình trạng mua quá tay, mua những thứ không cần thiết.
Tranh thủ mua sắm sớm
Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán nhưng nhiều chị em đã bắt đầu mua sắm thực phẩm, bánh kẹo và các hàng gia dụng cho Tết. Đây là một quyết định thông minh, bởi ai cũng biết rằng càng sát Tết, giá các loại mặt hàng càng tăng chóng mặt.
Chị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết chị đã mua đủ bánh kẹo, đồ uống và quà cáp biếu hai bên nội ngoại. Còn các đồ khó bảo quản thì chị đã đặt hàng, đến sát Tết nhà hàng sẽ giao tận nhà.
“Giờ hàng Tết đã bày bán nhiều nhưng siêu thị, cửa hàng còn vắng khách nên tiếp đón mình chu đáo. Đi mua vừa nhàn, không phải chen chúc, vừa được đồ ngon, giá ổn định. Sát Tết thường sẽ bị tăng giá, vừa phải chen lấn mệt mỏi.
“Săn” khuyến mại nhưng đừng quá đà
Cận Tết, hầu hết các siêu thị đều đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà. Đây là dịp tốt để chị em mua sắm tiết kiệm khi các sản phẩm giảm giá. Tuy nhiên, chị em rất dễ bị ham đồ rẻ, đồ tặng kèm mà mua sắm quá tay.
Mẹo cho các chị em khi đi siêu thị là lên danh sách các đồ cần mua, lên số lượng cụ thể. Khi bị “hút” mắt bởi các sản phẩm khuyến mại, chị em nên tỉnh táo “cân đong đo đếm” xem thực tế khuyến mại trị giá bao nhiêu, có sử dụng được hay không.
“Có lần mình cố lấy 2 thỏi son để được tặng kèm một chiếc túi đeo nhỏ. Về thì thấy chiếc túi không sử dụng được vào việc gì cả, son thì phải tặng bớt 1 thỏi vì sợ không dùng kịp hạn sử dụng. Để được tham gia bốc thăm trúng thưởng của một nhãn hàng, mình cố lấy đủ hóa đơn trị giá 500 ngàn, nhưng về nhà một số sản phẩm không dùng đến, phiếu bốc thăm không trúng gì cả. Khuyến mại hóa ra lại tốn kém hơn”, một độc giả chia sẻ về trải nghiệm “săn” hàng khuyến mại.
So sánh giá trước khi mua
Mua sắm sớm cũng đồng nghĩa với việc bạn có nhiều thời gian để lựa chọn. Thay vì đến siêu thị, nhặt toàn bộ các thứ bạn cần vào giỏ rồi ra quầy thanh toán. Bạn nên lên danh sách các thứ cần mua, sau đó lên internet tìm kiếm các cửa hàng bán sản phẩm đó, so sánh để chọn nơi bán giá tốt nhất. Mỗi thứ bớt một chút bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá.
Việc chọn lựa nơi mua trước qua internet cũng giúp bạn tiết kiệm được thời gian. Bạn cũng có thể đặt hàng để họ giao đến tận nhà để đỡ mất công di chuyển. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý nên mua hàng ở các trang mạng, cửa hàng uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đơn giản hóa Tết
Tết là dịp để gia đình quây quần, sum họp chứ không phải là dịp để trưng diện, “ăn chơi thả ga”. Nên mua sắm vừa đủ, đúng nhu cầu. Tránh tình trạng “muốn diện” dịp Tết mà sẵn sàng chi bất cứ giá nào để có sản phẩm đó.
Nếu bạn muốn sửa sang nhà cửa hay mua sắm các vật dụng đắt tiền thì nên mua trước Tết khoảng nửa tháng trở lên. Mua sớm bạn vừa được phục vụ chu đáo mà giá thành ổn định.

“29 Tết năm ngoái bố mình mới quyết định lắp bình nóng lạnh. Giá bình không đổi nhưng siêu thị không khuyến mại lắp đặt như mọi ngày vì không đủ nhân viên. Thế là phải gọi thợ ngoài đến lắp mất 4 trăm ngàn, đắt gấp đôi bình thường vì là 29 Tết”, chị Yến (Mỹ Đình, HN) chia sẻ.

SHARE THIS

Facebook Comment